HỌA SĨ VŨ TRUNG TẦN CHẮT CHIU NHỮNG MẢNH HỒN QUÊ

 


Mỹ Thuật là một bộ môn nghệ thuật không ồn ào như những loại hình nghệ thuật khác như ca, múa, sân khấu hay điện ảnh, tuy vậy những giá trị tinh thần mà nó đem lại cho công chúng không hề nhỏ. Giá trị văn hóa của Mỹ Thuật để lại cho nhân loại vô cùng to lớn cả về mặt văn vật lẫn phi vật thể, bằng chứng chính là có rất nhiều hiện vật của những công trình kiến trúc nghệ thuật từ thời cổ đại đến nay vẫn luôn làm say đắm lòng người.

Nghệ nhân xưa đã tạo ra những tuyệt phẩm mỹ thuật độc đáo, tinh xảo đạt đến trình độ mà ngay cả đến hôm nay, những tác phẩm đó vẫn luôn khiến cho biết bao nhà nghiên cứu phải trầm trồ thán phục. Có rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc trong thời đại hiện nay vẫn luôn kế tục và phát huy những vốn cổ từ ngàn xưa để lại, và họ dựa trên đó để làm ra nhiều tác phẩm cho riêng mình.

Họa sĩ Vũ Trung Tần là một trong số những họa sĩ mang tâm hồn hoài cổ, anh đã một phần nào đó lĩnh hội được tinh hoa văn hóa truyền thống và vận dụng những vẻ đẹp của vốn cổ dân tộc để đưa vào sáng tác Gốm Mỹ Thuật. Hầu hết những tác phẩm Gốm Mỹ Thuật của họa sĩ Vũ Trung Tần đều lấy nguồn cảm hứng từ hoa văn cổ đại của nền văn minh Lạc Việt, tiêu biểu ở đây là văn hóa Đông Sơn. Công chúng yêu mỹ thuật chắc không còn xa lạ gì với những tác phẩm gốm của họa sĩ Vũ Trung Tần bởi cái riêng, cái lạ từ những tác phẩm của anh.

Vũ Trung Tần có một tình yêu quê hương rất mộc mạc và giản dị như chính tính cách của anh. Từ tình yêu nồng nàn đó, anh đã gom góp những tinh hoa của vốn cổ dân tộc, đúc kết lại, cách điệu theo lối riêng của anh để đưa chúng vào tác phẩm Mỹ Thuật như tranh sơn mài, tranh sơn dầu và tạo hình Gốm Mỹ Thuật. Anh đã rất thành công trong việc sử dụng họa tiết cổ Đông Sơn để diễn tả nội dung cho những tác phẩm gốm. Mặc dù những họa tiết đó đơn giản và lặp lại nhưng qua sự khéo léo của họa sĩ Vũ Trung Tần, chúng trở nên sống động và liền lạc, chúng được liên kết với nhau theo sự sắp xếp bố cục hợp lý để truyền tải nội dung những câu chuyện của họa sĩ rất là hấp dẫn.

Có lẽ sẽ có nhiều người hỏi tại sao họa sĩ Vũ Trung Tần lại thích làm gốm theo mô tuýp trang trí này, tuy nhiên trong lĩnh vực nghệ thuật có nhiều điều khó giải thích được vì mỗi người nghệ sĩ đều có một cái duyên với nghề và cái duyên đó bắt nguồn từ những gì mà cá nhân đó cảm thấy yêu thích nhất. Sự khác biệt của họa sĩ Vũ Trung Tần chính là anh càng sáng tác thì lại cho ra nhiều tác phẩm rất mới rất lạ nhưng chúng lại được thể hiện trên nền tảng từ những yếu tố rất quen. Cũng chỉ có bấy nhiêu mô tuýp hoa văn đó thôi mà họa sĩ Vũ Trung Tần biến tấu ra đủ các câu chuyện khiến cho người khác bị lôi cuốn, nhìn cứ tưởng là giống nhau nhưng lại không hề có sự trùng lặp nào.

Xoay quanh chủ đề về quê hương, họa sĩ Vũ Trung Tần sáng tác ra một bộ tác phẩm gốm mới miêu tả cuộc sống bình yên nơi thôn quê Bắc Bộ, cũng có thể là Hà Tây quê anh nơi mà còn rất nhiều dấu ấn văn hóa Việt Cổ vẫn đang được lưu giữ bảo tồn. Nội dung trong các câu chuyện của anh nhấn mạnh về tình cảm gia đình, làng xóm, mối quan hệ khăng khít giữa người với người trong cộng đồng. Bên cạnh đó là sự mong muốn quê hương luôn được thanh bình, người người luôn được no ấm.

Tác phẩm “Giữ Lửa” có bố cục nhẹ nhàng đối xứng, với hình ảnh vòng tay của một người đang nâng niu đóm lửa để đem về sưởi ấm cho gia đình. Tác phẩm diễn tả một thời kỳ còn sơ khai, khi mà con người chưa làm ra được những dụng cụ đánh lửa nên họ phải gìn giữ những đóm lửa để dùng trong sinh họat hàng ngày. Đóm lửa tuy nhỏ nhưng có thể đem lại ánh sáng văn minh cho con người từ thuở hồng hoang, ngoài ra đóm lửa đó còn là ngọn lửa của tình yêu quê hương luôn được ấp ủ trong tim người nghệ sĩ.

Với tác phẩm: “Bánh Chưng, Bánh Dày”, họa sĩ Vũ Trung Tần muốn viết lên câu chuyện tình yêu nam nữ, tình yêu giữa con người và trời đất. Bố cục đối xứng hướng vào nhau cho thấy anh muốn diễn tả một cộng đồng người luôn gắn kết và đồng lòng. Hình tượng Bánh Chưng và Bánh Dày là một phần của tín ngưỡng “phồn thực” từ ngày xưa, tín ngưỡng đó nói lên sự khát khao mong cầu của người dân luôn có cuộc sống ấm no, con đàn cháu đống, người người hòa thuận, xóm làng đông vui.

Điểm nhấn trong các tác phẩm gốm lần này mà họa sĩ Vũ trung Tần muốn thể hiện là hình ảnh của người phụ nữ nông thôn miền bắc đảm đang đôn hậu, luôn luôn chăm lo quán xuyến việc nhà từ việc đồng áng đến việc bếp núc, vừa lao động vừa chăm sóc con cái rất là chu đáo. Song song với đó chính là khung cảnh làng quê thanh bình với dáng vẻ của các chú trâu đang nằm nghỉ ngơi hưởng thụ thành quả lao động của mình. Ý và hình trong nội dung của các tác phẩm rất dung dị, nhẹ nhàng như các điệu ca dao từ lời ru của mẹ trong những buổi trưa hè, nó gợi lên nỗi nhớ quê hương cho những người con xa xứ. Bố cục đối xứng được anh khai thác triệt để, các mô tuýp hoa văn lúc chụm vào cùng thể hiện tình đoàn kết để vươn lên, lúc lại tỏa ra để phát triển và tìm tòi khám phá cái mới. Tất cả thủ pháp mỹ thuật được họa sĩ áp dụng một cách nhịp nhàng theo giai điệu của riêng anh đã được hòa trong màu men ấm áp. Từ chỗ đó cho thấy, họa sĩ Vũ Trung Tần đã chắt chiu từng mảnh hồn quê để đưa vào các tác phẩm của anh bằng một tình cảm rất chân thành trìu mến.

Bộ sưu tập gốm 2024 của họa sĩ Vũ Trung Tần

1- Bánh Chưng: 70cmx40cmx41cm.



2- Bánh Dày : 62cmx33cmx30cm



3- Giữ Lửa:30cmx30cmx46cm



4 - Tam hợp: 72cmx36cmx40cm



5 - Hương Cốm Mới:54cmx35cmx58cm



6 - Ngưu Quy Điền: 42cmx42cmx54cm



7 - Hương Xưa: 45cmx35cmx46cm



8 - Giâc Mơ Trên Lưng Trâu: 42cmx42cmx77cm



Tuy rằng những sáng tác về Gốm của Vũ Trung Tần còn rất nhiều khiêm tốn so với một số đồng nghiệp khác, nhưng Gốm Mỹ Thuật của Vũ Trung Tần đã dần dần hình thành phong cách riêng và nhất quán từ ý tưởng đến cách tạo hình, nhờ vậy mà những tác phẩm Gốm Mỹ Thuật của anh đã được rất nhiều người yêu thích. Nhìn chung, những tác phẩm gốm của họa sĩ Vũ Trung Tần luôn có một yếu tố rất quan trọng đó chính là tính Văn Hóa, đây là một mấu chốt giúp anh xây dựng nội dung sáng tác rất liền mạch ngay từ những tác phẩm Gốm Mỹ Thuật đầu tiên. Sự biết ơn tiền nhân, biết ơn đất mẹ chính là một hạt nhân trong tư duy tạo hình Gốm Mỹ Thuật của họa sĩ Vũ Trung Tần. Bắt nguồn từ lòng biết ơn đó nên anh trân trọng, nâng niu những hoa văn mỹ thuật dân tộc cổ xưa. Anh muốn kế tục sự nghiệp truyền lửa cho các bạn trẻ ở thế hệ sau biết gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của ông cha. Họa sĩ Vũ Trung Tần không chạy theo những sáng tác xu hướng hay nương theo cái bóng của một họa sĩ lớn nào, anh vẫn âm thầm xây dựng cho mình một lối đi riêng không chỉ riêng trong sáng tác Hội Họa mà ngay cả trong sáng tác Gốm Mỹ Thuật.

Nguyên Sắc

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ