HOẠ SỸ TRẺ LÊ TRỌNG CẢNH VÀ TÁC PHẨM "NGUỒN CỘI" TRONG TRIỂN LÃM GỐM MỸ THUẬT 2022

 Hoạ sỹ Lê Trọng Cảnh sinh năm 1980, anh từng tốt nghiệp khoa Mỹ Thuật Ứng Dụng của Đại Học Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh. Trong những tháng năm nghiên cứu và học tập tại trường, Lê Trọng Cảnh luôn say mê tìm tòi sáng tạo và học hỏi kinh ngiệm từ các thầy, cô của mình. Cũng như bao hoạ sỹ khác, anh rất say mê Mỹ Thuật cổ truyền thống của Việt Nam. Anh thích các mô tuýp trang trí kiến trúc cổ, các vốn cổ ở Đình, Chùa, Lăng Tẩm. Theo anh quan điểm thì đó là những di sản Mỹ Thuật vô cùng quý báu, nếu không giữ gìn và phát huy là những giá trị đó sẽ bị mai một và bị lãng quên theo thời gian bởi vì xu hướng chạy theo các lối kiến trúc, nội thất phương Tây đang rất thịnh hành. Từ niềm đam mê đó, hoạ sỹ Cảnh đã tìm ra hướng đi nghề nghiệp của mình sau khi ra trường.

Anh có cách sống thực tế, tư duy rất thực dụng đúng với nghành Mỹ Thuật Ứng Dụng mà anh theo học. Quan điểm của hoạ sỹ là học xong phải đem được những ứng dụng vào thực tế, những sản phẩm của mình tạo ra phục vụ cho nhu cầu của công chúng. Nếu như nhiều hoạ sỹ khác đi theo hướng nghệ thuật và có chút phiêu mang nhiều giá trị về mặt tinh thần, hoạ sỹ Lê Trọng Cảnh lại đi theo hướng thực dụng, sản phẩm của anh thiết kế ra có giá trị cả về mặt vật chất cũng như tinh thần cho công chúng.
Sau một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực trang trí công nghiệp, hoạ sỹ Lê Trọng Cảnh chuyển sang kinh doanh các mặt hàng Gỗ nội thất. Kiểu cách của chúng vừa hiện đại vừa truyền thống và tiện dụng cho người dùng.
Trong lần Triển Lãm Gốm Mỹ Thuật 2022 này, hoạ sỹ Lê Trọng Cảnh gửi đến một bộ 2 tác phẩm có tên là " Nguồn" và " Cội."
Nghe tiếng " Nguồn Cội" là người ta có thể hiểu được ngay nội dung của tác phẩm.
"Nguồn" là nơi xuất phát của dòng sông, nó cũng có ý nghĩa là khởi đầu nhưng sự khởi đầu này nó mang tính sẽ còn tiếp diễn và không kết thúc như dòng chảy của một con sông. Có lẽ vì thế mà ở tác phẩm 'Nguồn", hoạ sỹ sử dụng rất nhiều đường cong chuyển động của sóng nước, của mây trời, của rồng uốn lượn. Hình ảnh con rồng trong tác phẩm 'Nguồn" của hoạ sỹ gợi cho người xem cảm nhận đó là Lạc Long Quân (Cha Rồng) trong truyền thuyết Việt Cổ, bên cạnh đó còn có chân dung một người đàn ông đang nhìn thẳng về phía trước như muốn gửi thông điệp rằng "hãy nhớ về nguồn" Chân dung người đàn ông đó có thể là Cha Lạc Long Quân, Hùng Vương hay một ai đó từ trong huyền sử hiện về nhắc nhở cháu con hãy nhớ về " Nguồn". Nguồn có tính nhu và tính Âm.
Ngược lại, tác phẩm "Cội" có vẻ cứng cáp hơn và có tính Dương. Một khối trụ thẳng đứng được biến tấu thành hình một gốc cây to với nhiều chân dung người gắn trên đó. "Cội" là gốc cây to, nơi gốc cây to thì chim hay làm tổ, tán cây che chở cho đàn chim những lúc gió bão. Trên tác phẩm "Cội" có rất nhiều gương mặt, những gương mặt đó là đại diện cho các dòng họ Việt Nam, hàm ý ở đây chính là người Việt Nam có cùng một gốc và cái gốc đó muốn bền vững là chúng ta phải đoàn kết lại và cùng nhau vun cho cái "Cội" đó để nó không bị hao mòn, mục rữa, không bị sứt mẻ.

Qua bộ tác phẩm " Nguồn - Cội", hoạ sỹ Lê Trọng cảnh muốn gửi gắm một tình yêu quê hương, yêu dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Trong quá trình gìn giữ đó, thì chúng ta phải luôn ứng xử có âm, có dương và giữ cho hai khía cạnh đó luôn cân bằng thì mọi thứ sẽ bền vững.
Nguyên Sắc
Hoạ sỹ Lê Trọng Cảnh hiện đang kinh doanh đồ gỗ nội thất tại TP Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ hoạ sỹ: https://www.facebook.com/trongcanhht

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ