HOẠ SỸ VĂN THẠNH VÀ BỘ TRANH VỀ ĐỨC PHẬT


Hoạ sỹ Văn Thạnh là một gương mặt rất quen thuộc trong giới Hội Hoạ Việt Nam nói chung và giới Hội Hoạ TP Hồ Chí Minh. Anh có một quá trình lao động sáng tác không ngừng nghỉ, mặc dù cuộc sống của anh luôn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Quá trình lao động nghệ thuật của anh đã khiến cho nhiều bạn đồng nghiệp rất là thán phục, Văn Thạnh có sự đam mê kỳ lạ, anh sẵn sàng đầu tư hết tiền bạc và công sức vào những tác phẩm tranh của mình. Mặc dù cuộc sống của anh cho đến bây giờ vẫn còn chật vật so với nhiều hoạ sỹ cùng khoá khác, nhưng anh không nản chí, chính nhờ vào nghị lự đó nên Văn Thạnh luôn tuôn trào cảm xúc sáng tác nghệ thuật. Tranh của Văn Thạnh đa phần về chủ đề quê hương, đời sống người lao động. Anh có khả năng thể hiện tác phẩm trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, ….
Nhân dịp Mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567; kỷ niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu (11/06/1963 - 11/06/2023). Hội Mỹ thuật Thành phố cùng với Viện Nghiên cứu Phật học tổ chức hoạt động sáng tác và triển lãm tranh tượng mỹ thuật về đề tài PHẬT GIÁO & HOÀ BÌNH tại Phòng Trưng bày Hội Mỹ thuật Thành phố vào lúc 10g sáng ngày 20-05-2023. Hoạ sỹ văn Thạnh gửi đến tham gia 4 tác phẩm tranh sơn mài vẽ về chủ đề Đức Phật Thích Ca trong bộ tranh 6 bức của anh.






Bộ tranh sơn mài 6 tác phẩm của anh rất là sinh động, với lối vẽ chân phương, mộc mạc, bố cục đơn giản, hình mảng rất dân dã và có chút cách điệu, Văn Thạnh đã miêu tả những câu chuyện về quá trình đi truyền Đạo của Đức Phật cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn
Màu sắc trong tranh rất quê mùa, giản dị, chúng tô vẽ lên một khung cảnh yên bình, hoang sơ của thời kỳ xa xưa khi mà Đức Phật mới đi thuyết Giáo. Anh thể hiện gam tranh rất quê hương, chúng có vị chua của đất, vị chát của quả xanh, cái khét của nắng miền nhiệt đới. Màu trong tranh Văn Thạnh rất hồn nhiên, chân thật và có đôi chút rất vụng về.
Nội dung tranh nhẹ nhàng, mỗi bức tranh là một câu chuyện, chúng dẫn dắt người xem đi vào không gian Đạo pháp rất tự nhiên không gượng ép, chỉ mới xem qua là người ta có cảm giác mình rất gần với Phật, có thể chạm vào được Phật và đi theo Phật. Hoạ sỹ Văn Thạnh đã ấp ủ vẽ bộ tranh này từ rất lâu, anh đã nghiên cứu rất nhiều về lịch sử Phật giáo, anh đọc kinh Phật và cảm nhận nguồn năng lượng tâm linh từ Phật Pháp Nhiệm màu, thông qua đó anh có nhiều nguồn cảm hứng sáng tác. Những bức tranh của Văn Thạnh không huyền bí, liêu trai, mang tính ma mị mê tín dị đoan, đây là những tác phẩm hoàn toàn thiên về xu hướng nhập thế.
Ý tưởng của tranh xoay quanh chủ đề Giác Ngộ, con người tự cảm nhận về Phật Pháp và tin vào Phật Pháp một cách có lý trí chứ không u mê lầm lạc. Ánh sáng của Đạo Phật đem đến niềm tin cho con người biết sống yêu đời, yêu người và dung dưỡng lòng từ bi bác ái.
Bố cục tranh rất hiền hoà, nhịp điệu tranh chậm rãi, thong thả không hề vội vã nhưng lại chứa đựng nhiều nội tâm sâu sắc. Nội tâm trong các nhân vật chủ thể của tranh đang tranh đấu tự giải thoát chính mình, tự giác ngộ ra chân lý của Đạo Phật một cách tự nguyện và vui vẻ.
Văn Thạnh vẽ bằng một tâm hồn yêu Hội Hoạ và anh tin rằng ánh sáng của Phật giáo sẽ giúp anh khai ngộ ra con đường đi của chính mình.
Văn Thạnh có một phong cách vẽ rất ngô ngê như một người mới tập vẽ, xét về mặt bố cục tạo hình của Văn Thạnh rất là bình thường, về hình, mảng và màu sắc cũng không có gì đặc sắc lắm nhưng anh có một cái tâm yêu nghề và sẵn sàng cống hiến cho nghề. Chính những sự ngô ngê và hồn nhiên của Văn Thạnh đã khiến cho tranh của anh không giống ai, bởi vậy cho nên tranh của Văn Thạnh có một sắc thái chuyên biệt, rất Văn Thạnh.
Những tác phẩm của Văn Thạnh cục mịch, hiền từ, chậm rãi, có hơi chút ù lỳ. Tuy nhiên tranh của Văn Thạnh rất dồi dào ý tưởng, phong cách thể hiện theo kiểu không có gì để mất và chỉ biết vẽ vì mê vẽ, anh có một sự đam mê rất là kỳ lạ. Chính sự đam mê đó đã tạo ra một Văn thạnh như hôm nay.
NguyênSắc

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ