GIỚI THIỆU BỘ SƯU TẬP TƯỢNG GỐM "HÀO KHÍ MÊ LINH" CỦA HOẠ SỸ VŨ TRUNG TẦN


Khi lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc, ai cũng biết về cuộc khởi nghĩa chống giặc Đông Hán của chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đã gần 2000 năm về trước. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng luôn là nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học nghệ thuật cũng như Mỹ Thuật. Có rất nhiều hoạ sỹ đã vẽ về đề tài Hai Bà Trưng trong nhiều thập kỷ qua. Mỗi hoạ sỹ thể hiện một cảm nghĩ khác nhau, tôn vinh một nét đẹp khác nhau, tuy nhiên các hoạ sỹ luôn có chung một điểm đó là ca ngợi ý chí quật cường của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc.
Cùng hoà trong nguồn cảm xúc đó, hoạ sỹ trẻ Vũ Trung Tần cũng góp vào một bộ tượng gốm rất giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần ý nghĩa và rất giàu cảm xúc. Những tượng gốm nhỏ bé với lối cách điệu mang đậm nét vốn cổ dân tộc, nét tạo dáng nhẹ nhàng không quá cường điệu đã gây nhiều ấn tượng cho người xem. Những hoa văn Đông Sơn như mặt trời, chim Lạc được hoạ sỹ khai thác rất tỉ mỷ theo ngôn ngữ trang trí đường viền vô cùng mạnh. Chúng chuyển động men theo hình dáng của tượng gốm rất uyển chuyển, người xem sẽ nhận ra có một sự liền mạch từ thời kỳ Đông Sơn đến những năm 40 đầu Công Nguyên. Hình ản một đất nước thanh bình dưới ánh mặt trời với những dòng sông, con thuyền, những đàn chim , những nóc nhà mái thuyền, cảnh đánh cá,... rất đẹp. Nhưng những hình ảnh đó đã bị chà đạp bởi sự xâm lăng của quân Đông Hán. Nói như Hai Bà Trưng là " một xin rửa sạch nước thù, hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng".

Những mẫu gốm nho nhỏ nhưng mang hàm ý của một thời kỳ hào hùng bất khuất, thời kỳ mà mỗi khi tiếng trống đồng vang lên là thôi thúc cả vạn quân xông trận đánh tan kẻ thù.
Những con voi chiến tất là dũng mãnh, chúng đang chuẩn bị tư thế sẵn sàng xông vào chiến tuyến đã được tác giả hình tượng hoá lên một cách tròn chĩnh dễ thương. Nhìn con voi hiền lành như thế, chúng đâu muốn chà đạp hay giày xéo ai đâu nhưng vì chúng phải cam chịu nỗi khổ nhục như chủ của mình nên chúng buộc phải vùng lên. Đàn ngựa chiến nhỏ cũng xông pha tiến lên để theo kịp đoàn quân. Nếu những tượng gốm để chung với nhau, người xem có cảm giác đây giống như cuộc duyệt binh chuẩn bị xuất quân của Hai Bà Trưng, các chú voi quỳ xuống để nâng người chủ tướng trong tư thế sẵn sàng. Màu men gốm có ẩn màu xanh cây cỏ gợi lên một vùng đất màu mỡ có nhiều hoa trái, con người hiền lành và thân thiện. Tuy nhiên khi sự áp bức lên đến tột cùng thì cỏ cây cũng sẽ vùng lên.
Hoạ tiết vốn cổ Đông Sơn bộc lộ tính dân tộc rất cao trong bộ tác phẩm. Đó là sự minh chứng khẳng định một giai đoạn có thật trong lịch sử Việt Nam, những hoa văn đó thể hiện sự độc đáo của nền Mỹ Thuật người Việt cổ xưa, đã từng có một nền độc lập tự chủ, một thời kỳ dựng nước oai hùng. Hai Bà Trưng là những người phụ nữ anh hùng đã lấy lại nền độc lập cho nước nhà, triều đại Lĩnh Nam tuy ngắn ngủi nhưng nó thể hiện một quyết tâm chống đồng hoá, chống đô hộ của người Việt vô cùng mãnh liệt. Nhờ có những vị anh hùng như Hai Bà Trưng mà tiếng Việt vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Thông điệp của bộ tượng gốm nếu nói theo Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca là :
"Kinh Kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta"
Nguyên Sắc
Những nhà sưu tập đã từng yêu tranh, tượng của hoạ sỹ Vũ Trung Tần có thể liên hệ với anh để biết thêm về bộ tượng gốm này.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ